Review sách Cuộc cách mạng một cọng rơm - sự gắn liền giữa con người và tự nhiên
"Con người thì làm việc như điên, nghĩ rằng phải làm vậy mới sống được. Công việc càng lớn lao, thách thức càng cao thì họ càng cho đó là tuyệt vời".
Là người có niềm yêu thích thiên nhiên, thích núi rừng, thích thiên nhiên như nó vốn có, có lẽ vì vậy mà mình khá đồng tình với triết lý của tác giả, thiên nhiên phải được đặt chung trong mối quan hệ của con người.
Masanobu Fukuoka, khi mới là chàng trai 25 tuổi, như những bạn trẻ khác, ông cuốn mình vào công việc, vui chơi và tận hưởng, sự mệt mỏi do làm việc quá độ khiến Fukuoka ngất xỉu tại phòng thí nghiệm, những cơn trầm cảm cứ kéo xệch tác giả xuống hố sâu, lang thang và ngã gục để rồi tác giả bừng tỉnh trước thiên nhiên với nhận thức hoàn toàn mới. Ông nghỉ việc và quyết định trở về quê trong sự ngạc nhiên của bao đồng nghiệp, bắt tay vào công cuộc làm nông thuần tự nhiên, mà đối với nhiều người có thể xem là bước “thụt lùi” tại thời điểm đó.
Triết lý làm nông thuần tự nhiên được Masanobu Fukuoka chia sẻ rất đơn giản: Chẳng-làm-gì-cả, thay vì áp dụng kỹ thuật, hoá chất vào nông nghiệp thì tác giả lại có cách tiếp cận ngược lại: không cày xới, không dùng phân hoá học, không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng hoá chất, bốn nguyên tắc làm nông tự nhiên trên được tác giả đúc kết trong quá trình nghiên cứu về nông nghiệp. Đó không phải là những lời nói suông sáo rỗng, tất cả đã được ông thực hành và kiểm chứng.
Cái hay của Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm là tác giả đã lồng ghép những thông điệp đến con người hiện đại, rằng CON NGƯỜI KHÔNG HIỂU TỰ NHIÊN, con người chăm chăm đi tìm giải pháp cho vấn đề trước mắt, nhưng lại không hiểu bản chất vấn đề. Con người suốt ngày lên tiếng cho tự nhiên, nhưng cái cách họ mong cầu lại đi ngược với tự nhiên, họ mong đợi những thực phẩm đẹp mắt, trái cây trái mùa, quan tâm đến những lợi ích vật chất từ chúng mang lại. Mà muốn đáp ứng ham muốn ấy cần sự can thiệp của hoá chất, kỹ thuật.
HAM MUỐN VÔ ĐỘ CỦA CON NGƯỜI, con người làm việc như điên, nghĩ rằng phải làm vậy mới sống được. Công việc càng lớn lao, thách thức càng cao thì họ càng cho đó là tuyệt vời. Nhưng chính những “ham muốn” đấy đã khiến con người tách dần với tự nhiên, “Khi bạn tập trung quá nhiều cho cuộc sống vật chất, bạn sẽ không còn thời gian để lo cho đời sống tinh thần nữa, viết thơ hay sáng tác nhạc trở nên một thứ xa xỉ”. Con người càng nghĩ ra nhiều thứ, tự nhiên càng tiêu điều, tài nguyên càng suy kiệt. Tác giả nhắc nhở chúng ta nếu cứ tiếp tục mong cầu, thì sự tàn phá thiên nhiên lại càng tiếp tục. Ngay cả các loại cỏ dại, sinh ra chúng cũng có chức năng riêng, hãy để hệ thực vật phát triển như chúng vốn có.
Những chia sẻ của tác giả làm mình khá ấn tượng bởi lần đầu tiên có người chủ trương không làm gì cả, mà còn lại rất tự hào và hạnh phúc về cái triết lý đó của mình. Nếu như đặt suy nghĩ của tác giả vào bối cảnh 4.0, khi mà con người ngày nay tự hào khi phát minh ra cái này, cái kia, họ coi đó là tiến bộ, văn minh, khi lối sống bận rộn đã trở thành gì đó cố hữu trong tiềm thức của con người hiện đại thì tư duy của tác giả có vẻ khá mới mẻ để tiếp cận.
Dẫu vậy, cuốn sách này mang hàm ý triết lý nhân sinh và ý niệm phật giáo nhiều hơn ý niệm nông nghiệp, mà e rằng sự hiểu biết của mình không thể khái quát hết được. “Thế giới này đã từng giản đơn”, nhưng có lẽ chúng ta đã làm cho nó phức tạp lên bằng việc cứ tiếp tục nghĩ ra nhiều thứ, tiếp tục sửa sai, rồi nghĩ ra và lại tiếp tục sửa sai. Mình tin rằng Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm sẽ kéo bạn đọc sống chậm lại và vun đắp tình yêu thiên nhiên trước tốc độ đô thị hoá nhanh - một cuốn sách hy vọng sẽ giúp “chữa lành” những tổn thương mà thiên nhiên đang phải gánh chịu.
Lê Na - It ‘s our responsibility to shape our life to how to fit it.